Cấm kỵ với phụ nữ mang thai
Thời xưa, những cấm kỵ với phụ nữ mang thai còn nặng nề hơn so với phụ nữ bình thường. Trong phong tục của đa số các dân tộc, phụ nữ mang thai đồng nghĩa với những gì không sạch, nên hành động của họ rất bị hạn chế, gò bó. Tất nhiên có những cấm kỵ về cơ thể đặc biệt của họ, cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi, nhưng đáng tiếc là có rất nhiều cấm kỵ khi tìm hiểu kỹ, thì chỉ là những hủ tục hoặc coi khinh phụ nữ.
Những cấm kỵ với phụ nữ mang thai chủ yếu là tạm thời cách ly, tránh xa để khỏi bị “ô nhiễm”. Thứ nhất , phụ nữ mang thai không được tham gia hôn lễ, nhất là cô dâu chú rể chưa vào phòng ngủ mà phụ nữ mang thai vào trước, sẽ bị coi là đuổi mất hỷ khí. Thứ hai , là phụ nữ mang thai không được tham gia tang lễ, hay buổi cầu lễ. Vì đối tượng của tang lễ, buổi lễ - là thần linh và thai nhi – đều chưa thành hình, dễ bị ảnh hưởng, nhất là sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Phụ nữ mang thai đến tang lễ, coi như mang họa “huyết quang” gây hạn trùng tang, hoặc người nhà mất. Vì thế mà kể cả trong nhà có chuyện tang, phụ nữ mang thai cũng phải tạm thời đến nơi khác ở. Thứ ba, phụ nữ mang thai không được tham gia vào những chuyện hệ trọng, tránh các hoạt động về thần thánh. Do dân gian cho rằng phụ nữ mang thai không sạch, có thể làm mất công hiệu của pháp thuật, nên mới không cho phụ nữ mang thai tham gia các buổi lễ. Mà các buổi lễ dân gian trước đây, đa phần có liên quan tới thần thánh. Một số nơi khi động thổ, xây nhà, đào giếng,… phụ nữ mang thai cũng không được có mặt tại chỗ. Nhất là khi làm mái nhà, do sợ phụ nữ mang thai đi qua “xung đổ cột” nên thường làm vào sáng sớm. Khi đào giếng, sợ phụ nữ mang thai làm hỏng long mạch, không đào được nước, hoặc nước chất lượng kém.