10 điều không nên nói ra vì có thể sẽ phạm vào khẩu nghiệp
Nhiều khi con người chúng ta thường không kiểm soát được những lời nói của mình. Nhiều người thậm chí còn cho rằng đó là tính thẳng thắn của bản thân và những điều họ nói ra không có tâm địa độc ác, tuy nhiên cũng cần phải xét cả đến những hậu quả mà những lời nói không hay đó mang lại
Người xưa nói : “Miệng có thể nói lời đẹp như hoa hồng, miệng cũng có thể nói lời độc như gai ma vương". Việc giữ gìn lời nói và rèn luyện tu tập để không nói những lời xấu cũng là việc tu thân tích đức cho chính mình, cũng tức là tu luyện trường năng lượng của bản thân, người mà toàn thân tràn đầy năng lượng tốt đẹp mới có thể gặp nhiều may mắn.
Một lời nói ra giống như mũi tên bắn đi không thể lấy lại được chính vì thế chúng ta cần cân nhắc trước những lời nói của mình để không hại người, hại mình. Hãy tránh 10 điều không nên nói dưới đây thì không chỉ bạn đã tích đức cho bản thân mà tôi đảm bảo bạn sẽ gặp được nhiều những vận may tốt trong đời sống. Cùng xemtuvi.xyz khám phá xem nó là những câu nói không hay nào nhé.
1. Không nên nói nhiều
Ô hay... nói nhiều thì có làm sao nhỉ? Nhiều người sẽ cho rằng công việc của tôi là phát thanh viên giờ tôi không nói nhiều thì làm sao hoàn thành công việc được? Các bạn cứ bình tĩnh nhé, "không nói nhiều" ở đây được hiểu là những người không nên nhiều chuyện kiểu như thích buôn dưa lê và các câu chuyện thị phi rồi thêm tý mắm tý muối cho thú vị.
Chuyện xưa về Mặc Tử có một câu chuyện như thế này: Một hôm có một học trò của Mặc Tử hỏi rằng thưa thầy “Nói nhiều có ích lợi không?”
Mặc Tử suy nghĩ rồi trả lời học trò mình rằng: “Con cóc, con ếch, cả ngày lẫn đêm đều kêu không ngừng, kêu đến khô mồm mỏi lưỡi, nhưng không có ai để tâm đến tiếng kêu của nó cả. Sáng sớm nhìn thấy con gà trống đó, gáy đúng giờ vào lúc bình minh, trời đất đều chấn động (mọi người đều thức dậy sớm). Nói nhiều thì có ích lợi gì chứ? Chỉ có lời nói được nói ra trong tình huống hợp thời cơ mới có tác dụng thôi.”
Mặc Tử muốn nói rằng lời không cần nhiều, người biết nói chuyện luôn nói những lời thích đáng vào thời cơ thích đáng. Vì thế những bạn đang phải nói nhiều nhưng là chuyện thích đáng thì không việc gì phải lo ngại nhé!
2. Không nói lời dễ dãi
Lời nói không thể nói một cách dễ dàng tùy tiện, nếu thay đổi lời đã nói, chi bằng không nói. Lời không được hứa dễ dàng, nếu hứa rồi lại thay đổi, chi bằng đừng hứa. Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, nếu không sẽ mang họa vào thân, cũng đừng dễ dàng hứa hẹn với người khác nếu mình không chắc chắn thực hiện được, nếu không sẽ mất chữ tín và bị coi thường.
3. Không nói lời ngông cuồng
Có nhiều người khi nói thường chẳng cần biết đến nặng nhẹ, cứ nói là nói thôi, như vậy hoàn toàn không nên. Nói bậy nói càn, thường xuyên phải hối hận. Sơn Âm Kim tiên sinh thời nhà Thanh từng nói: “Làm người hành sự đừng ngông cuồng, họa phúc sâu dày tự gánh chịu”. Ngông cuồng hay khiêm tốn, điều này trực tiếp liên quan đến họa phúc của mỗi người đôi khi chúng ta không nhận ra ngay điều đó nhưng nó luôn hiện hữu. Cái mà con người thể hiện trước mặt người khác không gì khác là lời nói và hành vi, mà lời nói thì lại trực tiếp nhất, cho nên nói chuyện kỵ nhất là lời nói ngông cuồng ngạo man. Cuồng gây chú ý, cuồng gây căm ghét, rất dễ gây ra chuyện tai họa. Trong xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều án mạng hoặc những hậu quả vô cùng nặng nề mà nguyên nhân của nó lại xuất phát từ những lời lẽ ngông cuồng gây ra.
4. Không nói lời thẳng thừng
Điều này không phải là bác bỏ việc nói thật nhé các bạn, nói thật là điều rất cần thiết nhưng chúng ta cũng nên đề cập vấn đề đó một cách khéo léo và tế nhị. Không nên nói thẳng không che đậy mà không nghĩ đến hậu quả, nếu không sẽ gây ra phiền toái. Lời thẳng thắn, đôi khi phải nói vòng vo hoặc khéo léo một chút, lời nói lạnh lùng như băng, phải tăng thêm nhiệt khi nói, nghĩ đến sự tự tôn của người khác
5. Không nói lời cạn kiệt
Đôi khi những lúc nóng giận chúng ta thường không biết cách kiềm chế bản thân và để mặc cơn tức giận xả ra những lời nói cay nghiệt, cạn kiệt và không còn đường lui cho người khác và chính bản thân mình. Điều này hoàn toàn không nên. Biết hết cũng không cần nói hết, chừa chút đường lui cho người khác, đấy cũng chính là giữ lại chút khẩu đức cho chính mình. Trách người không cần trách khắt khe, khoan dung với người khác một chút cũng chính là cho mình một phần linh động, một đường lui.
6. Không nói lộ chuyện
Có những người không thể giữ được bí mật nào cả, họ cứ có gì nói ra hết, như thế cũng không tốt. Bởi sẽ có những câu chuyện cần giữ bí mật bởi bản chất của nó là như vậy, bạn chỉ nên phân biệt giữa tốt và xấu. Đối với chuyện của người khác, tuyệt đối không được tiết lộ nếu như nó không phương hại đến bản thân mình và người khác bởi đây là vấn đề nhân phẩm và nguyên tắc làm người, nó cũng dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi sự việc vẫn chưa thể chắc chắn, cũng không được nói những lời quả quyết, để tránh tạo ra ảnh hưởng không tốt
7. Không nói lời độc ác
Không nên nói những lời vô lễ và độc ác để làm tổn thương người khác. Bởi việc bạn nói ra sẽ tạo khẩu nghiệp cho chính bản thân mình. Người xưa nói, “Đao cắt dễ lành, ác ngôn khó tan”. Sự tổn thương bạn gây ra trong tâm gan người khác còn đau đớn hơn vạn lần vết thương gây ra trên thân thể và nó dễ biến thành nghiệp lực.
8. Không nói lời kiêu căng
Lão Tử nói: “tự phạt giả vô công, tự căng giả bất trưởng”. Ý nói người tự mình khoe tài ngược lại mất hết công lao, người tự đề cao bản thân sẽ không có tiến triển. Người nói lời kiêu căng, không phải kiêu ngạo thì là vô tri, dù là loại nào thì cũng đều bất lợi với sự trưởng thành của chính mình, và cũng dẫn đến sự chán ghét của người khác. Thần Hàm Quang cuối nhà Minh đầu nhà Thanh sở dĩ nói: “Tự khiêm tắc nhân dũ phục, tự khoa tắc nhân tất nghi” (ý là tự khiêm tốn người khác phải phục, tự khen mình người khác chắc chắn nghi ngờ). Vì thế việc nói ra những lời kiêu ngạo không chắc sẽ tạo được cho bạn sự tự tin trước người khác nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn vướng phải chính những nghiệp lực do mình gây ra...và đó là khẩu nghiệp
9. Không nói lời bịa đặt
Bịa đặt là cách nói về những lời dèm pha dựng chuyện thị phi để nhằm một mục đích nào đó. Nó là những lời không tốt sau lưng người khác gây ly gián, nghi kỵ. Người xưa cho rằng, người nói lời sàm ngôn(bịa đặt), đều là tiểu nhân. Triết học gia Vương Sung của Đông Hán từng nói: “Sàm ngôn thương thiện, thanh dăng ô bạch” có nghĩa là không nên đặt điều nói xấu sau lưng người khác bởi nó sẽ làm cho thiên hạ đều không được yên ổn. Ngày nay việc bịa đặt trên mạng XH như Facebook, Zalo của các sao rồi những hot girl cũng khá phổ biến xemtuvi.xyz cũng không cần lấy ví dụ nữa chỉ mong mọi người không phạm điều này để giữ đức cho bản thân và con cháu.
10. Không nói khi tức giận
Phàm là con người thì rất dễ phạm vào điều này bởi khi nóng giận ta rất khó để kiềm chế bản thân. xemtuvi.xyz có một lời khuyên cho các bạn là khi nóng giận các bạn nên im lặng hoặc bỏ đi một nơi khác và hãy suy nghĩ tích cực về vấn đề đang khiến bạn nóng giận tránh tranh cãi hoặc có những lời nói vào thời điểm này bởi lúc này ta rất khó suy xét và rất dễ gây tổn thương cho người khác và làm hao tổn đức của bản thân.
Lời kết: Nếu làm được 10 điều trên chắc chắn bạn sẽ an vui và tìm được nhiều giá trị tốt cho cuộc sống. Chúc các bạn một ngày mới nhiều năng lượng! Nếu bạn thấy bài viết này có ý nghĩa thì hãy chia sẻ nó nhé, biết đâu từ đây ta đã gieo những duyên lành.
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm!
Nếu bạn muốn xem thêm về BÓI BÀI TÂY <
Phong vân