Rằm tháng tám vào ngày mấy?
Rằm tháng 8 là vào ngày mấy? ngày trung thu là ngày bao nhiêu? Có lẽ câu hỏi đó có vẻ hơi kỳ kỳ nhưng quả thực khó ai có thể xác định được ngày dương lịch của ngày rằm tháng tám là ngày mấy chỉ biết rằng ngày âm lịch nó chính là ngày vào giữa của mùa thu tức là ngày 15 tháng 8 âm lịch vì thế ngày rằm tháng tám còn có tên là rằm trung thu. Nếu các bạn muốn biết ngày rằm tháng tám dương lịch là ngày mấy thì các bạn có thể xem trên hệ thống lịch của xemtuvi.xyz hoặc sử dụng công cụ đổi ngày âm lịch sang ngày dương lịch rất tiện dụng này.
Tết Trung Thu ở Việt nam ra đời như thế nào?
Tôi còn nhớ những năm 80 khi ấy tôi còn rất nhỏ và ngày ấy chẳng nhiều ánh sáng màu mè như bây giờ, phố thị thì cũng chỉ có số ít những cửa hàng có những ánh đèn màu về đêm thôi. Còn nông thôn chúng tôi thì đa số người dân vẫn dùng đèn dầu, nhà ai sang lắm thì có chiếc đèn mang xông. Lũ bọn trẻ chúng tôi khi ấy rất háo hức để chuẩn bị chào đón rằm tháng tám với vô số các trò chơi. Nghĩ lại vẫn thấy vui vui là. Trước đấy 1 tháng bọn trẻ đã nô nức chuẩn bị nào là hạt Bưởi nào là đèn lồng, đám nghịch ngợm thì còn chuẩn bị thêm mấy cái súng bắn dây thun, mà đạn là bằng giấy hoặc bằng dây của cây mơ. Hạt bưởi được bóc ra rồi phơi khô xâu bằng dây thép và chờ đến đúng đêm rằm tháng 8 đem đốt, rồi chạy loanh quanh trong xóm nô đùa một cảm giác thật tuyệt mà trẻ con thời hiện đại ngày nay không dễ gì có được.
Chẳng ai rõ là Tết Trung thu ở Việt Nam ra đời như thế nào? Nhiều người cho rằng nó bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam nhưng cũng có người cho rằng nguồn gốc của nó được bắt đầu từ văn hóa của Trung Hoa. Có rất nhiều truyền thuyết về Tết trung thu nhưng điểm lại thì có vài truyền thuyết chính đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, hay sự tích của chú cuội lên cung Trăng. Tục rước đèn vào ngày rằm tháng 8 cũng được nhiều người cho rằng nó bắt nguồn từ truyền thuyết vào đời Tống khi đó có một con yêu quái vốn là con cá chép thành tinh hễ cứ vào ngày trăng sáng là nó lại hiện lên biến hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp để đi hại người. Sau đó có một vị quan nghĩ ra một cách đó là cho làm hình chiếc đèn lồng hình cá chép trong đó đốt lửa treo ngoài đường. Quả nhiên sau đó con yêu cá chép kia thấy hình nộm giống mình mà trong bụng lại có ngọn lửa thì thất kinh không dám bén mảng tới nữa. Ngày nay tục rước đèn vẫn được duy trì nhưng không chỉ dừng lại ở chiếc đèn hình cá chép nữa mà là rất nhiều các loại đèn khác nhau như đèn lồng, đèn kéo quân, đèn cù đặc biệt là chiếc đèn ông sao với biểu tượng ngôi sao năm cánh rực rỡ trên bầu trời đêm. Hình ảnh chiếc đèn ông sao ở việt nam đã đi vào lòng người với bao những kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp như một bài hát mà gần như không một lễ hội trăng rằm nào lại thiếu nó đó chính là bài hát "Chiếc đèn ông sao" của nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhiều người còn gọi vui là bài hát của rằm trung thu...
Các bài hát về rằm trung thu
Các bài hát về rằm trung thu có khá nhiều trong đó phải kể đến bài: Chiếc đèn ông sao, với những ca từ vô cùng quen thuộc và sôi động như:
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu.Cán đây rất dài cán cao quá đầu.
Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan !
Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh ! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh. Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi !
Kế đến phải kể đến những ca khúc như "Múa sư tử" với những nhịp điệu rất lễ hội:
Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang
Tiếp đến là bài hát "Rước đèn tháng tám":
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu
Các loại đèn trung thu truyền thống
Các loại đèn rước vào đêm trung thu có rất nhiều nhưng chỉ xin được kể vài loại đèn chính phổ biến nhất mà thôi:
Đèn cá chép: được làm tạo hình bằng khung tre vót mỏng bên ngoài dán lớp giấy bóng kính hoặc giấy mầu mỏng. Bên trong có thể thắp nến hoặc đèn nhỏ.
Đèn ông sao: xương đèn cũng được tạo hình bằng tre mỏng, dẻo, bên ngoài cũng được dán bằng những lớp giấy bóng kính nhiều màu, xung quanh vòng ngoài có thể được trang trí thêm bằng những sợi kim tuyến lấp lánh:
Đèn kéo quân: Cách làm đèn kéo quân có lẽ phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn, xương và khung đèn cũng được làm bằng gỗ hoặc tre mỏng, vỏ cũng được dán giấy bóng kính và có nhiều lớp nhưng được thiết kế chuẩn khí động học để khi đốt lửa bên trong thì các hình ảnh dán trên đèn sẽ được quay xung quanh
Tết trung thu ngày nay
Ngày nay tết trung thu có lẽ không còn dành riêng cho trẻ nhỏ nữa mà nó đã trở thành những cơ hội biếu xém quà cáp nhằm mưu cầu danh lợi hoặc là dịp để cho những cặp đôi hú hí mây mưa. Tôi có một chị bạn làm kinh doanh trong linh vực nhà nghỉ ở một khu phố nhỏ thuộc Hà Nội. Chị ấy chia sẻ rằng nhà nghỉ của chị ấy thường xuyên chật kín phòng vào những dịp lễ đặc biệt là vào ngày Tết Trung thu. Phải chăng Tết trung thu dành cho trẻ em ngày nay đang bị xâm lấn và các giá trị cảu nó bị đảo lộn do sự mất cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và văn hóa? Những bậc phụ huynh thay vì vui vẻ để con đi chơi vào đêm lễ hội nay lại nơm nớp với nỗi lo bọn trẻ vào nhà nghỉ, rồi hút chích, tệ nạn. Phải chăng đã đến lúc xã hội cần lên tiếng để trả lại lễ hội trăng rằm đúng nghĩa cho trẻ thơ
Lời kết: Ngày nay với sự phát triển của những công nghệ hiện đại và sự xâm lăng của vô số những đồ chơi Trung Quốc với giá trị vô cùng rẻ thì những thứ đồ chơi truyền thống lại đứng bên sự tuyệt chủng. Thật đáng tiếc khi lũ trẻ ngày nay không được đón những cái tết trung thu đúng ý nghĩa và vui vẻ thực sự như những thế hệ trước dù rằng đời sống vật chất ngày nay khá hơn xưa nhiều. Thực tế này khiến không ít những nhà văn hóa có tâm thấy đau lòng. Phải chăng chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong những việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa để Tết Trung thu đúng nghĩa lành mạnh và dành cho trẻ em!
Atula